Vừa qua, trường Mầm non Quốc tế Kinderland đã mời tiến sĩ Diana Baranovich từ Đại học Malaya đến làm diễn giả cho hội thảo tại trường dành cho Phụ huynh. Tiến sĩ là chuyên gia sử dụng âm nhạc và trò chơi sáng tạo trong nâng cao trí tưởng tượng, phát triển khả năng nghệ thuật và ngôn ngữ của trẻ. Bà có bằng Tiến sĩ về Tâm lý học đường, Thạc sĩ Nghệ thuật và Cử nhân Giáo dục Âm nhạc.
Từ buổi hội thảo, Phụ huynh có thể hiểu sâu sắc về tâm quan trọng của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ và cách ứng dụng hiệu quả tại gia đình. Không chỉ chia sẻ các kiến thức và kỹ thuật, Tiến sĩ còn triển khai các hoạt động ứng dụng thực tiễn ngay tại buổi hội thảo. Phụ huynh được tham gia vào nhiều hoạt động vui nhộn và bổ ích.
Theo Tiến sĩ, âm nhạc có khả năng kích thích sự phát triển nhận thức của trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu tác động của âm nhạc lên trí não của trẻ khẳng định âm nhạc thúc đẩy sự liên kết các tế bào thần kinh, làm gia tăng kích thước của não bộ. Những em bé tiếp xúc sớm với âm nhạc thường phát triển tốt khả năng ngôn ngữ và giao tiếp: kỹ năng lắng nghe, làm theo hướng dẫn; kỹ năng từ vựng phong phú và diễn đạt câu lưu loát. Những trẻ có năng khiếu với âm nhạc, chơi được một nhạc cụ nào đó thường sẽ học tốt hơn ở các bộ môn khác tại trường.
Âm nhạc đóng góp tích cực đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Chuyển động theo âm nhạc giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp cơ thể, giữ thăng bằng, vận động chéo chi…, tăng cường sức mạnh các nhóm cơ lớn và vận động tinh khéo léo hơn.
Bên cạnh đó, âm nhạc còn giúp trẻ phát triển tốt về mặt cảm xúc và tình cảm xã hội. Trẻ hiểu cảm xúc của mình và người khác, biết quản lý cảm xúc bản thân tốt hơn. Trẻ được nuôi dưỡng tình cảm, tình yêu với cái đẹp, với muôn loài, biết thể hiện và đón nhận tình cảm từ những người xung quanh.
‘Mọi đứa trẻ sinh ra đều là một nhạc sĩ, vũ công, họa sĩ và là người kể chuyển…. Chúng ta chỉ cần chuẩn bị nền tảng cho sự học hỏi, sáng tạo và tận hưởng niềm vui của trẻ’ (Stein, 2008)